VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH CÓ NGUY HIỂM HAY KHÔNG?

Vàng da kéo dài là tình trạng bệnh lý dễ gặp đối với trẻ sinh non thiếu tháng khiến không ít những người làm cha mẹ lần đầu phải lo lắng.. Để đối phó với tình trạng này, cha mẹ nên thực hiện từ những thói quen hàng ngày đơn giản như: cho con tắm nắng đúng cách đủ giờ, giữ ấm cho con… Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của BSCKI. Nguyễn Quang Minh – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Hưng Thịnh để tìm hiểu rõ hơn về dấu hiệu này.

Những trẻ có nguy cơ cao bị vàng da kéo dài:
  • Trẻ sinh non: Những bé sinh non trước 37 tuần có nguy cơ mắc bệnh vàng da sinh lý cao hơn, do gan không có khả năng xử lý bilirubin nhanh như trẻ được sinh đủ tháng.
  • Trẻ bị bầm tím trong khi sinh: Trong quá sinh chuyển dạ và sinh nở tự nhiên hoặc cũng có thể là sinh mổ một số bé bị bầm tím trên cơ thể. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu trẻ sơ sinh có vết bầm tím sẽ có nguy cơ cao về mức độ cao vượt quá ngưỡng bình thường của bilirubin từ sự phân hủy của các tế bào máu đỏ.
  • Yếu tố nhóm máu: Mẹ có nhóm máu O hoặc nhóm máu Rh cũng ẩn chứa nhiều khả năng trẻ sinh ra bị vàng da sớm hơn. Trẻ có nhóm máu không tương thích với nhóm máu của mẹ, có thể phát triển các kháng thể có thể phá hủy các tế bào hồng cầu và gây ra sự gia tăng đột ngột nồng độ bilirubin.
  • Bú mẹ: Trẻ bú mẹ có nguy cơ mắc bệnh vàng da cao hơn. Tuy nhiên, những lợi ích mà sữa mẹ mang lại vượt xa những bất lợi mà vàng da có thể gây ra nên các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ nên cho con bú từ khi mới lọt lòng.

PV: Thưa bác sĩ, khi nói đến tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh rất nhiều phụ huynh lo lắng, không biết đây có phải là một bệnh lý hay không? Và tại sao lại có những biểu hiện như vậy?

Bác sĩ: “Phần lớn ở trẻ sơ sinh đều có biểu hiện vàng da trong 1 tuần đầu sau khi sinh. Đây là biểu hiện bình thường, xảy ra do hồng cầu thai nhi phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị vỡ, 1 lượng lớn bilirubin trong hồng cầu, là một chất có sắc tố màu vàng được phóng thích vào máu làm da trẻ có màu vàng. Đa số trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh đều nhẹ, gọi là vàng da sinh lý. Tuy nhiên có một số trường hợp nặng do chất bilirubin tăng quá cao, đi vào trong não. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng, nhiễm độc thần kinh, trẻ dễ bị hôn mê, co giật và có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng về tâm thần vận động”.

Vàng da sơ sinh thường gặp ở trẻ sinh thiếu tháng

PV: Như vậy, theo chia sẻ của bác sĩ thì hiện tượng vàng da sinh lý có thể tự hết. Tuy nhiên có một số trường hợp là vàng da bệnh lý, để lại những biến chứng rất nguy hiểm. Vậy dựa vào những dấu hiệu nào để nhận biết trẻ bị vàng da do bệnh lý hay do sinh lý ạ?

Bác sĩ: “Chúng ta có thể quan sát bằng mắt thường, hằng ngày bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của bé ở nơi đủ ánh sáng. Trong trường hợp da bé khó nhận biết, chúng ta có thể dùng 1 ngón tay ấn lên da của trẻ giữ trong vài giây, sau đó buông ra. Nếu trẻ bị vàng da, chỗ ấn đó có màu vàng khác biệt với màu xung quanh. Vàng da sinh lý xuất hiện muộn, thường từ ngày thứ 3, da trẻ hơi vàng ở mặt, ngực, chân rốn; trẻ vẫn ăn, uống, ngủ bình thường, tăng cân bình thường. Vàng da bệnh lý xuất hiện sớm, thường trước 24h, dài hơn 2 tuần, mức độ vàng da của bệnh lý nhiều hơn. kéo dài tới cánh tay, lòng bàn tay, đùi, lòng bàn chân”.

Vàng da kéo dài là tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da đến trên 1 tuần

PV: Khi trẻ bị vàng da như vậy, chúng ta cần xử trí như nào ạ?

Bác sĩ: “Trường hợp vàng da nhẹ, chúng ta có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ tắm nắng, vào khoảng 7h30-8h00. Khi cho trẻ tắm nắng, cần bỏ hết quần áo trên người của bé, úp mặt của bé ra sau, cho ánh nắng chiếu vào lưng, tránh chiếu vào mắt bé hoặc có thể sử dụng khăn che mắt em bé lại. Bên cạnh đó các mẹ nên cho bé bú nhiều lần trong ngày, vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất bilirubin qua đường tiêu hóa. Và cần theo dõi diễn biến trong vòng 7-10 ngày đầu. Nếu trẻ có những dấu hiệu nặng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị cho bé”.

PV: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ.

Chăm sóc trẻ bị vàng da kéo dài

  • Đảm bảo trẻ có đủ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ
  • Nếu mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, nên cho trẻ bú thường xuyên. Điều này giúp làm sáng làn da trẻ. Không cần dùng sữa công thức hoặc nước lọc thay thế. Mẹ nên đánh thức trẻ dậy để cho trẻ bú ngay cả khi trẻ đang ngủ
  • Nếu mẹ không thể cho con bú sữa mẹ vì chưa có sữa kịp thời, có thể chọn sữa công thức cho trẻ bú. Nên tư vấn với bác sĩ, nếu mẹ quan tâm đến việc trẻ đang dùng quá ít hoặc quá nhiều sữa công thức
  • Mẹ nên giữ ấm cho trẻ hàng ngày. Đồng thời, mẹ nên chú ý trong việc chăm sóc rốn, vệ sinh thân thể cho trẻ
  • Mẹ nên lưu ý tắm nắng đúng cách, đủ giờ cho trẻ vào buổi sáng sớm và xế chiều, lúc ánh nắng dịu rất tốt cho bệnh lý vàng da. Tắm nắng không thể khỏi bệnh nhưng sẽ là tác nhân làm ngưng tình trạng vàng da kéo dài và diễn tiến xấu.

Để đảm bảo độ chính xác về tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh cũng như biết được trẻ có bị vàng da hay không mẹ nên đăng ký cho con khám sàng lọc đối với trẻ sinh non. Bởi nếu cứ để tình trạng vàng da kéo dài có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Hậu quả của việc không phát hiện và điều trị vàng da kịp thời sẽ dẫn đến vàng da nhân và di chứng để lại có thể là bại não suốt đời, thậm chí tử vong. Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh, trong đó có vàng da. Tại Hưng Thịnh được trang bị hệ thống chiếu đèn an toàn, dễ thực hiện, trẻ vẫn được bú mẹ khi phải chiếu đèn.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số đường dây nóng 02143 668 969 hoặc đăng ký trực tuyến qua fanpage: https://www.facebook.com/dakhoahungthinh