TIA X ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHỤ NỮ CÓ THAI NHƯ THẾ NÀO?

Chụp X quang khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không đó là thắc mắc của nhiều mẹ bầu, bởi tia X là một dạng bức xạ và có khả năng ảnh hưởng đến thai kỳ. Không giống như siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo hình ảnh nên hoàn toàn vô hại với sức khoẻ. Chụp X quang và chụp cắt lớp vi tính là những kỹ thuật sử dụng tia bức xạ X quang để tạo ra hình ảnh phục vụ việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Vì là bức xạ nên nhiều người lo ngại ảnh hưởng của tia X đối với sức khoẻ, đặc biệt là đối với phụ nữ có thai. Vậy chụp X quang khi không biết mình mang thai có thực sự nguy hiểm?

Trong chụp X quang mức độ ảnh hưởng của tia X còn tuỳ thuộc nồng độ tác dụng, tuổi thai và thời gian tiếp xúc. Mặc dù tia X với cường độ cao, kéo dài có thể đi kèm với nguy cơ gây ung thư, bạch cầu cấp và một số dị tật bẩm sinh khác đối với thai nhi, tuy nhiên nguy cơ này rất thấp. Trong y khoa khi sử dụng tia X để chẩn đoán thì liều bức xạ được dùng là rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với liều có khả năng gây hại cho thai nhi. Cụ thể như sau:

  • Nguy cơ sảy thai: với liều tia X nhỏ hơn 5rad (đơn vị đo cường độ tia X) thì tia X không khiến cho nguy cơ sảy thai tăng lên. Bên cạnh đó mỗi phụ nữ khi mang thai đều có sẵn khoảng 3 – 15% nguy cơ sảy thai cho dù có chụp X quang hay không.
  • Nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi: Với liều tia X nhỏ thì nguy cơ gây dị tật thai cũng không đáng kể.
  • Nguy cơ ung thư đối với thai nhi: Nếu chụp X quang vào những tháng đầu của thai kỳ và với liều tia xạ lớn hơn 5rad thì nguy cơ tăng lên khoảng 0,3 đến 1% tuy nhiên nguy cơ này đã tồn tại sẵn 0,3% cho dù người mẹ có tiếp xúc với tia X hay không.

Chụp X-quang răng cho bà bầu đúng cách sẽ an toàn cho thai nhi

Thông thường nếu chỉ chụp X quang một lần thì những nguy cơ có thể gặp phải rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên nếu thai phụ không biết mình mang thai và phải chụp X quang nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé. Lý giải cho điều này là bởi một số tế bào trong cơ thể có thể bị tia X làm tổn thương bộ gen. Với cùng một liều tia thì thai nhỏ nguy cơ ảnh hưởng sẽ cao hơn. Mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào vị trí, cơ quan được chụp. Chụp vùng bụng, khung chậu và cột sống thắt lưng có nguy cơ ảnh hưởng cao nhất, tỷ lệ khoảng từ 1/10 000 đến 1/1000.

Nếu trong trường hợp thực sự cần thiết phải chụp X quang thai phụ sẽ được che chắn bằng áo chì. Trong y khoa liều bức xạ của tia X luôn được thiết kế ở mức tối ưu nhất để có thể thu được hình ảnh rõ nét nhất cũng như đồng thời đảm bảo sức khoẻ của người chụp. Tuy nhiên nếu không thực sự cần thiết thì không nên chụp X quang khi mang thai vì có thể dẫn đến những ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của mẹ và bé. Để tránh những trường hợp chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính khi không biết mang thai, thông thường các bác sĩ sẽ hỏi xem có đang mang thai không rồi mới đưa ra quyết định thực hiện kỹ thuật này.

Bệnh viện Hưng Thịnh luôn đảm bảo sự chỉn chu, cẩn trọng khi thực hiện các kỹ thuật chụp chiếu

Để tránh tình trạng chụp X quang ảnh hưởng đến thai nhi thì người bệnh nếu nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai người bệnh cần báo trước với bác sĩ để được từ vấn và chỉ định trong trường hợp thực sự cần thiết. Bên cạnh đó để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé nên lựa chọn những cơ sở y tế, bệnh viện có uy tín, máy móc trang thiết bị hiện đại để thăm khám và chụp X quang. Tại Bệnh viện Hưng Thịnh để giảm thiểu tối đa nguy cơ chụp X quang cho phụ nữ có thai, các bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích nguy cơ, các yếu tố ảnh hưởng đối với sức khoẻ của mẹ và bé trước khi quyết định cho người bệnh chụp.

Tác giả: BS Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh