ĐÓN EM BÉ CÓ DÂY RỐN THẮT NÚT CHÀO ĐỜI AN TOÀN

Vừa qua, BVĐK Hưng Thịnh đã thực hiện đỡ đẻ thành công cho một sản phụ ở tuần 38 với một đoạn dây rốn bị thắt nút ở gần với cuống rốn của em bé. Vậy dây rốn thắt nút là gì? Tình trạng này được chẩn đoán như thế nào? Làm sao để mẹ theo dõi sức khỏe thai kỳ tốt? Mẹ hãy tham khảo bài viết này nhé!

Dây rốn là dây nối từ phôi thai hoặc bào thai đang phát triển tới nhau thai, cho phép máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến cho bé trong tử cung người mẹ, đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Nếu mẹ đã từng nghe qua dây rốn thắt nút và các hậu quả của tình trạng này ắt hẳn mẹ sẽ lo lắng và tìm tòi nhiều thông tin liên quan đến. 

Dây rốn thắt nút là hiện tượng dây rốn tự tạo thành nút thắt bên ngoài trong quá trình thai xoay chuyển vận động trong buồng ối.

Tỷ lệ dây rốn thắt nút chỉ chiếm 0.3 – 2.2% các trường hợp mang thai nhưng tỷ lệ tử vong của thai nhi khi gặp phải tình trạng này thường tăng cao gấp 4 lần so với thai nhi bình thường.

Vừa qua, BVĐK Hưng Thịnh đã thực hiện đỡ đẻ thành công cho một sản phụ ở tuần 38. Sản phụ nhập viện trong tình trạng có cơn co, qua kiểm tra, Bác sĩ đã thấy độ mở của cổ tử cung được 2cm, sơ bộ sản phụ và thai khi không có gì bất thường, tuy nhiên sau khi em bé chào đời, Bác sĩ và các nữ hộ sinh đã phát hiện một đoạn dây rốn bị thắt nút ở gần với cuống rốn của em bé.

Rất may trong trường hợp này dây rốn thắt lỏng nên hai mẹ con sản phụ đã mẹ tròn con vuông, em bé chào đời nặng 3.7kg.

Hình ảnh minh hoạ em bé có dây rốn thắt nút 1 vòng

Dây rốn thắt nút có thể thắt lỏng hoặc thắt chặt, mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt nút của dây rốn. Nếu thắt lỏng thì thai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, ngược lại, nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, gây nguy hiểm cho em bé.

Để làm giảm những biến chứng nguy hiểm của thắt nút dây rốn, các sản phụ nên theo dõi cử động thai mỗi ngày, đặc biệt trong những tuần cuối thai kỳ.

Việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ đúng hẹn cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với những sản phụ gần đến ngày dự sinh. Trên hình ảnh siêu âm cũng rất khó để phát hiện và chẩn đoán dây rốn thắt nút do tư thế của thai nhi. Trường hợp may mắn, sản phụ có thể cảm thấy bất thường và khám kịp thời, bác sĩ chẩn đoán chính xác dây rốn thắt nút và quyết định mổ bắt con nhanh chóng.

Có thể thấy, dây rốn thắt nút không có cách chữa cũng như phòng ngừa hiệu quả. Việc nhận biết thông qua sự theo dõi cử động thai đóng vai trò quyết định trong công tác cấp cứu dây rốn thắt nút. Đã có rất nhiều trường hợp cấp cứu thành công dây rốn thắt nút song cũng có vô số trường hợp đáng tiếc xảy ra, vì vậy thai phụ không nên lơ là, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ.

Chỉ có 0,3 – 2,3% các trường hợp mang thai bị dây rốn thắt nút, tỷ lệ tử vong do dây rốn thắt nút ở thai nhi cao gấp 4 lần so với thai bình thường

Để đảm bảo sức khỏe thai kỳ toàn vẹn,  bác sĩ khuyên thai phụ không chủ quan trong việc theo dõi thai kỳ, cần tuân thủ lịch kiểm tra, thăm khám thai định kỳ để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các nguy cơ, biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số tổng đài 02143.668.969 hoặc đăng ký qua Fanpage Bệnh viện: m.me/dakhoahungthinh.vn