CA CẤY GHÉP DA TỰ THÂN ĐẦU TIÊN TẠI BVĐK HƯNG THỊNH SAU ĐIỀU TRỊ VIÊM CÂN MẠC HOẠI TỬ

Ngày 10/6 vừa qua, BVĐK Hưng Thịnh tiếp nhận bệnh nhân Hoàng C. (74 tuổi – SaPa) và được chẩn đoán viêm cân mạc hoại tử cẳng bàn tay trái sau điều trị nhiễm trùng huyết do một loại vi khuẩn tấn công. Qua điều tra bệnh sử ban đầu, bệnh nhân C. cho biết bản thân đang trong thời gian điều trị nhiễm trùng huyết tại một bệnh viện đa khoa trên địa bàn, tuy nhiên sau 02 tuần, bệnh nhân bắt đầu thấy đau và phát hiện cẳng bàn tay trái có đám hoại tử khô, chảy dịch nhiều. Ngay sau đó bệnh nhân đã đến BVĐK Hưng Thịnh khám da liễu và được xác định chẩn đoán bị viêm cân hoại tử do vi khuẩn “ăn thịt người” xâm nhập sâu hết tổ chức lớp mỡ dưới da diện tích khoảng 5% nhiễm trùng, kèm theo đó là chứng suy gan, suy thận không đặc hiệu và loạn nhịp tim do vết thương bị tổn thương nghiêm trọng trong thời gian dài.

Các BS khoa khám bệnh BVĐK Hưng Thịnh sau khi xác định được mức độ nghiêm trọng của vết thương ngay lập tức đã lập hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân vào viện và xử trí bằng phương pháp cấy ghép da tự thân với vết thương dưới 10% diện tích cơ thể ở người lớn. Trưởng khoa Ngoại – Gây mê hồi sức – BSCKI. Nguyễn Duy Đạt cho biết hiện nay đang xuất hiện nhiều ca bệnh viêm cân mạc hoại tử do một loại vi khuẩn tấn công sâu dưới da. Trên thực tế không có vi khuẩn nào ăn thịt người theo nghĩa đen, mà cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người” hay được các phương tiện truyền thông sử dụng về bản chất là các vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis – NF).

Loại vi khuẩn này tấn công sâu dưới da không thường gặp, tiến triển rất nhanh, có nguyên nhân do độc tố của vi khuẩn gây viêm và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ. Ngoài ra còn nhiều loại vi khuẩn khác gây viêm cân mạc hoại tử chẳng hạn như Vibrio vulnificus, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Klebsiella, Clostridium (Clostridium perfringens, Clostridium septicum,…), E. coli, Aeromonas hydrophila,… Hàng năm trên toàn Hoa Kỳ có khoảng 600 tới 700 trường hợp được chẩn đoán viêm cân mạc hoại tử, tỉ lệ tử vong khoảng 25% tới 30%. Viêm cân mạc hoại tử hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Vi khuẩn “ăn thịt người” thường xâm nhập vào cơ thể nhất qua các vết thương hở, đồng thời nó cũng có thể xâm nhập qua:

  • Vết cắt nhỏ, vết trầy xước.
  • Côn trùng cắn.
  • Phẫu thuật (rất hiếm gặp).

Hình ảnh minh họa viêm cân mạc hoại tử

Khi bị loại vi khuẩn này tấn công, người bệnh sẽ bắt đầu có triệu chứng xuất hiện trong vòng 24h kể từ khi nhiễm khuẩn, và thường không xuất hiện đơn lẻ mà xuất hiện kết hợp với nhau. Các dấu hiệu đầu tiên có thể xuất hiện là:

  • Đau tăng mạnh ở khu vực xung quanh của vết thương, vết cắt, chỗ trầy xước,…
  • Tại chỗ vết thương đau hơn rất nhiều so với mức độ đau mà vết thương có thể thực sự gây ra.
  • Khu vực xung quanh vết thương sưng, nóng, đỏ.
  • Các triệu chứng giống cúm chẳng hạn như tiêu chảy, buồn nôn, sốt, chóng mặt và cảm giác khó chịu.
  • Cảm giác khát nước nhiều vì cơ thể mất nước.

Các triệu chứng tiến triển sẽ xuất hiện ở quanh vị trí nhiễm khuẩn trong vòng 3 tới 4 ngày sau khi nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Sưng, có thể xuất hiện ban màu tím.
  • Các vùng da lớn chuyển sang màu tím, sau đó xuất hiện mụn nước chứa đầy dịch sẫm màu có mùi khó chịu.
  • Da mất màu, bong da, tuột da khi hoại thư mô xảy ra.

Các triệu chứng nghiêm trọng thường xảy ra trong vòng 4 tới 5 ngày sau khi nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Tụt huyết áp nghiêm trọng.
  • Sốc nhiễm độc.
  • Lơ mơ, hôn mê.

Tình trạng bệnh nhân trước và sau khi điều trị viêm cân mạc hoại tử bằng phương pháp cấy ghép da tự thân

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vết thương mà quá trình điều trị viêm cân mạc hoại tử có thể sẽ diễn ra với nhiều phương pháp điều trị khác nhau được phối hợp tiến hành:

  • Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch: liều sử dụng để điều trị và thời gian sử dụng kháng sinh điều trị sẽ phụ thuộc vào từng loại kháng sinh.
  • Làm sạch vết thương, loại bỏ phần mô hoại tử, trong những trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật cắt cụt chi để ngăn chặn nhiễm khuẩn lan tràn.
  • Các phương pháp điều trị khác tùy trường hợp bệnh cảnh cụ thể.

Bệnh nhân C. sau khi được cấy ghép da tự thân (bề mặt da được lấy từ đùi bệnh nhân) đã hồi phục tốt, phần ghép da sau cẳng tay và mu bàn tray trái tổ chức hạt lên đều, cấu trúc da liền tốt, nếp da hồng hào, không hoại tử. Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số Chăm sóc khách hàng 02143.668.969 hoặc đăng ký lịch khám trực tuyến qua fanpage: m.me/dakhoahungthinh.vn. Không nên quá hoang mang lo lắng vì sự đồn vi khuẩn ăn thịt người và cũng không thể chủ quan với các dấu hiệu, triệu chứng gây nhầm lẫn của bệnh; nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.