Theo báo cáo của GLOBOCAN (Tổ chức Ung thư toàn cầu) mới nhất tháng 12/2018 ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi trở thành loại ung thư có tỷ mắc và tử vong cao nhất tại Việt Nam. Ung thư gan nguyên phát là loại ung thư xuất phát từ tế bào nhu mô gan, tế bào gan có khả năng nhân lên nhanh nhất vì vậy tế bào ung thư cũng nhân lên nhanh nhất.
Theo ThS.BS Bùi Tiến Dũng (Chuyên ngành Ung thư Đại học Y Hà Nội), Gan là cơ quan có khả năng hoạt động bù trừ rất tốt, khi chỉ còn 1/4 lá gan vẫn đảm bảo được chức năng cho cơ thể vì vậy trên lâm sàng giai đoạn sớm rất thầm lặng và gần như không có triệu chứng gì để người bệnh đi khám. Khi các triệu chứng rõ ràng thì đa số bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn không còn khả năng cứu chữa. Có tới 90- 100% số bệnh nhân ung thư gan có nhiễm virus viêm gan B mạn tính, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C rất ít và ung thư gan không nhiễm virus viêm gan B hoặc C là rất hiếm gặp. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan như phẫu thuật, nút mạch, nút mạch vi cầu phóng xạ, đốt nhiệt RFA, ghép gan… Tất cả các phương pháp này đều đã được làm tại Việt Nam. Bệnh nhân không phải ra nước ngoài để điều trị với chi phí khổng lồ.
Vậy dự phòng ung thư gan bằng cách nào?
- Tiêm phòng virus viêm gan B cho trẻ sơ sinh và những người chưa mắc viêm gan B chính là một biện pháp dự phòng ung thư gan hiệu quả và rẻ tiền. Các trẻ em sinh ra từ các bà mẹ có nhiễm virus viêm gan B cần được tiêm đồng thời vaccin viêm gan B và kháng huyết thanh HBIG trong vòng 24h sau sinh để phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.
- Điều Trị thuốc kháng virus cho bệnh nhân viêm gan B, C mạn tính khi có chỉ định. Khám định kỳ cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao bằng siêu âm ổ bụng và xét nghiệm AFP.
- Không ăn thực phẩm có nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc kích thích và thực phẩm mốc hỏng như lạc, gạo mốc có chứa aflatoxin gây ung thư gan.
- Hãy khám sức khỏe định kỳ ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm 1 lần và tầm soát ung thư phát hiện bệnh sớm.