Ngày 19/11/2022, BVĐK Hưng Thịnh đã tiếp nhận bệnh nhân Lý A H., sinh năm 1994 (Pa Cheo, Bát Xát) vào khám. Bệnh nhân bị bệnh khoảng 2 tuần, mệt mỏi, ho nhiều, có lúc khó thở, chủ yếu khó thở về đêm, cảm giác có vật gì vướng ở sâu trong họng hầu. Bệnh nhân đã đến một số cơ sở y tế khám, nội soi và phát hiện ra con đỉa nhỏ ở vùng hầu họng, nhưng không thể gắp ra được nên bệnh nhân tự đến BVĐK Hưng Thịnh khám. Lúc vào, bệnh nhân da hơi xanh, vẻ mệt, ho nhiều, không ho ra máu, biểu hiện khó thở nhưng không thường xuyên. Các bác sĩ khoa nội soi đã thăm dò bằng ống soi mền đường, phát hiện ra con đỉa, nằm trong khí quản, đuôi thò ra qua thanh môn, có lúc lại rụt vào trong khí quản. Sau khi hội chẩn cùng với bác sĩ gây mê, bác sĩ Phạm Đình T. đã sử dụng ống nội soi mền có đường kính nhỏ hơn, đưa ống vào qua đường mũi. Bằng kinh nghiệm và kỹ năng nội soi của mình, sự hiểu biết rõ ràng cấu tạo giải phẫu và sinh lý vùng hầu họng thanh quản, bác sĩ Phạm Đình T. cùng nhóm nội soi của BVĐK Hưng Thịnh đã gắp được con đỉa nằm trong khí quản ra một cách nhanh chóng. Sau thủ thuật bệnh nhân ổn định. Trơ về cuộc sống lao động sản xuất bình thường.
Trong trường hợp này, nếu không gắp được ra, sinh vật này có thể rơi sâu vào phế quản phổi, gây tắc nghẽn đường thở, có thể nguy hiểm tính mạng. Loài đỉa nhỏ này – tiếng địa phương còn gọi là con Nấc (con tắc te), có thể xâm nhập vào đường hô hấp khi người dân uống nước suối, khe. sinh vật nhỏ này có thể bám vào vùng họng, hầu, hút máu. Trên lâm sàng có thể gây ho, khó thở, cảm giác vướng ở vùng hầu họng kéo dài. Có bệnh nhân đi khám nhiều lần mà không phát hiện được. Một số tài liệu trong y văn báo cáo gắp được sịnh vật này ở vùng họng hầu của bệnh nhân bằng ống nội soi cứng. Tuy nhiên ở chưa thấy có trường hợp nào sinh vật này nằm trong khí quản. Bệnh nhân đến BVĐK Hưng Thịnh nêu trên là một trường hợp rất hiếm gặp.