Cơ quan đường tiết niệu gồm có: thận, niệu quản, bàng quang (bọng đái) và niệu đạo. Khi sỏi xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào của hệ tiết niệu nghĩa là đã mắc sỏi tiết niệu. Như vậy sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. Sỏi đường tiết niệu chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số các bệnh lý đường tiết niệu. Phát hiện và điều trị kịp thời giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Nguyên nhân của sỏi tiết niệu:
Phân tích thành phần của sỏi, người ta thấy sỏi là các hợp chất kết tinh như Canxi Oxalat, Phosphat canxi, Cysteine, Magnesium ammonium phosphate( Struvite), acid Uric. Các khoáng chất và hợp chất do cơ thể bài tiết ra theo đường tiết niệu. Trong môi trường nước tiểu có các yếu tố nguy cơ như PH, nồng độ, sự ứ đọng, yếu tố nhiễm trùng, các khoáng chất và hợp chất này có thể kết tinh, lắng đọng, tăng dần kích thước tạo thành sỏi, gây ra các triệu chứng cũng như các biến chứng cho bệnh nhân
Biểu hiện lâm sàng:
Một số ít bệnh nhân giai đoạn đầu có thể không có biểu hiện lâm sàng, chỉ phát hiện sỏi thận khi đi khám siêu âm vì một lý do khác. Đa số bệnh nhân có biểu hiện đau mỏi thắt lưng, hoặc các cơn đau dữ dội, gọi là cơn đau quặn thận
- Cơn đau quặn thận: Là những cơn đau đột ngột, dữ dội. Điển hình đau ở ngang thắt lưng hoặc ngang rốn, đau lan xuống dưới hố chậu và bộ phận sinh dục. Kèm theo đau, bệnh nhân thường có nôn, vã mồ hôi, không đứng thẳng hoặc không ngồi thẳng được, tay ôm lấy vùng đau. Cơn đau khiến bệnh nhân lo lắng, hốt hoảng. Đây chính là lý do khiến bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế. Cơn đau thường chấm dứt sau 15-30 phút khi dùng thuốc giảm đau phù hợp.
- Đái máu: Do viên sỏi di chuyển, cọ sát vào niêm mạc đường tiết niệu gây tổn thương, dẫn đến đái máu. Triệu chứng này dễ tái phát
- Biểu hiện nhiễm trùng: Tổn thương niêm mạc đường tiết niệu do sỏi gây nên viêm nhiễm, người bệnh có các biểu hiện đái máu, đái buốt, kèm theo có sốt, đau mỏi thắt lưng. Nhiễm trùng đài bể thận là những nhiễm trùng sâu, có nguy cơ gây nhiễm trùng huyết.
Phương pháp điều trị:
Điều trị nội khoa: Hiện nay chưa có một loại thuốc nào có thể làm tan sỏi hệ tiết niệu trong cơ thể người. Một số bài thuốc đông y cho rằng có thể làm mòn dần viên sỏi rồi cơ thể tự đẩy ra, nhưng hiệu quả lâm sàng và cơ chế chưa được chứng minh rõ ràng. Các phương pháp điều trị nội khoa chủ yếu là chống viêm nhiễm, uống nhiều nước làm tăng lượng nước tiểu, hy vọng làm sạch đường tiết niệu kết hợp điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt. Điều trị các bệnh đi kèm, khi sức khỏe ổn định sẽ can thiệp loại bỏ sỏi.
Điều trị ngoại khoa can thiệp: Bao gồm
- Tán sỏi ngoài cơ thể
- Phẫu thuật nội soi
- Tán sỏi ngược dòng bằng năng lượng Lazer
- Phẫu thuật mở để lấy sỏi
- Tán sỏi qua da
Tùy theo vị trí, số lượng, kích thước của sỏi, tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ lựa chọn cho bệnh nhân một phương pháp can thiệp loại bỏ sỏi phù hợp, an toàn. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Hưng Thịnh Lào Cai có đầy đủ các phương tiện để chẩn đoán sỏi hệ tiết niệu như máy siêu âm chất lượng cao, máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, các máy xét nghiệm tự động, giúp cho việc chẩn đoán bệnh lý sỏi hệ tiết niệu một cách nhanh chóng và chính xác. Bệnh viện cũng trang bị đầy đủ các phương tiện điều trị can thiệp như máy tán sỏi ngoài cơ thể thế hệ mới, hệ thống tán sỏi nội soi ngược dòng sử dụng năng lượng lazer, hệ thống máy mổ nội soi lấy sỏi. Với sự hợp tác từ đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, cho đến nay Bệnh viện đa khoa Hưng Thịnh đã giải quyết được hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh lý sỏi hệ tiết niệu, gia tăng lượng thu dung bệnh nhân, tạo dựng được uy tín trên địa bàn và khu vực. Quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng 02143.668.969 để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám trực tiếp.