COVID-19 ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN NGƯỜI BỊ TĂNG HUYẾT ÁP?

Những nghiên cứu mới cho thấy những người bị huyết áp cao có thể dễ phải nhập viện và bị bệnh nặng hơn do virus gây ra COVID-19. Với tỉ lệ tử vong cực cao, những người đang có bệnh nền là tăng huyết áp và đái tháo đường cần hết sức thận trọng, phòng chống dịch covid-19 hiệu quả để vượt qua thời điểm này một cách an toàn.

1 . Sự thật về tăng huyết áp?

Tăng huyết áp là một căn bệnh phổ biến ảnh hưởng đến nhiều người, điều cần lưu ý là gần 2/3 dân số thế giới trên 60 tuổi bị tăng huyết áp, và đôi khi được gọi là ‘kẻ giết người thầm lặng’ vì nó có thể dẫn đến tử vong sớm ngay cả khi không có triệu chứng. Huyết áp chính là một chỉ số để đo áp lực của máu tác động lên thành động mạch – mạch máu đảm nhận trách nhiệm vận chuyển máu, oxy và các chất dinh dưỡng từ tim đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Huyết áp có thể tăng hoặc giảm vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày hoặc trong một điều kiện cụ thể (như làm việc nặng, trải qua cảm giác lo lắng, hồi hộp…). Tuy nhiên nếu huyết áp ở mức cao trong thời gian kéo dài có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe. Tăng huyết áp hay cao huyết áp là thuật ngữ để chỉ tình trạng huyết áp tăng cao hơn mức bình thường.

Bảng phân loại và các giai đoạn của tăng huyết áp

Một số sự thật về tăng huyết áp mà nhiều người có thể không biết:

  • Tăng huyết áp khiến người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và đột quỵ, đây là hai trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
  • Năm 2017, gần một nửa triệu ca tử vong tại Mỹ do tăng huyết áp, kể cả đó là nguyên nhân chính hay chỉ là nguyên nhân góp phần gây ra tử vong.
  • Gần một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu của họ ≥ 130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 80 mmHg.
  • Chỉ có khoảng 1 trong 4 người trưởng thành mắc tăng huyết áp có tình trạng bệnh lý được kiểm soát.
  • Khoảng một nửa số người trưởng thành bị tăng huyết áp không kiểm soát được có huyết áp từ 140/90 trở lên. Những người này thường xuyên phải dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.
  • Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây tử vong trong năm 2017 với hơn 472.000 người tử vong ở Hoa Kỳ, tương đương với khoảng 1.300 ca tử vong mỗi ngày. Tăng huyết áp cũng khiến quốc gia này thiệt hại khoảng 131 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, tính trung bình trong 12 năm từ 2003 đến 2014.

Tăng huyết áp phụ thuộc vào giới tính và chủng tộc. Thông thường tình trạng tăng huyết áp rất khó để kiểm soát tuy nhiên có một số nhóm người nhất định có khả năng kiểm soát huyết áp cao tốt hơn những nhóm khác. Tỷ lệ nam giới mắc cao huyết áp (47%) cao hơn phụ nữ (43%). Huyết áp cũng thường được gặp ở những người trưởng thành da đen không phải gốc Tây Ban Nha (54%) so với người trưởng thành da trắng không phải gốc Tây Ban Nha (46%), người châu Á (39%) và người gốc Tây Ban Nha (36%). Tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp cũng thay đổi theo các vùng địa lý. Tại Mỹ, một số khu vực có tỷ lệ người mắc tăng huyết áp cao hơn các khu vực khác.

2. Ảnh hưởng của COVID-19 đến người bị tăng huyết áp?

Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý khá nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Các rủi ro sức khỏe liên quan đến tăng huyết áp bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ và chứng mất trí nhớ.

Bằng chứng mới nhất cho thấy những người bị tăng huyết áp không thể kiểm soát hoặc không được điều trị có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng hơn so với những người khác. Cũng cần lưu ý rằng những người bị huyết áp cao không được điều trị dường như có nguy cơ bị biến chứng do COVID-19 cao hơn những người mắc tăng huyết áp đang được điều trị bằng thuốc.

Người bệnh tăng huyết áp đang điều trị bằng thuốc sẽ ít có nguy cơ bị biến chứng COVID-19

Trong trường hợp một người bị tăng huyết áp, bước quan trọng nhất cần làm là kiểm soát chỉ số huyết áp của người bệnh. Cần tuân thủ chặt chẽ quy trình điều trị nhằm kiểm soát huyết áp. Bên cạnh đó là bảo vệ bản thân trước các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm tăng huyết áp có tầm quan trọng đặc biệt trong việc phòng ngừa COVID-19.

Sử dụng thuốc và thay đổi lối sống mang lại sự kết hợp hiệu quả để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các vấn đề hoặc bệnh lý mà huyết áp cao có thể gây ra. Dưới đây là một số việc cần làm để thay đổi lối sống và giúp người bệnh có thể kiểm soát chỉ số huyết áp của bản thân:

  • Chọn thực phẩm tốt cho hệ tim mạch. Thực hành theo phương pháp ăn kiêng để ngừng tăng huyết áp (chế độ ăn DASH), chế độ này tập trung bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá và các loại thực phẩm từ sữa ít béo.
  • Giảm lượng muối đưa vào trong chế độ ăn hàng ngày. Cố gắng hạn chế lượng Natri đưa vào cơ thể ở mức dưới 2.300mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên lượng Natri mỗi ngày được các nhà khoa học khuyến cáo nên thấp hơn 1500 mg.
  • Giảm cân: Giảm cân dù chỉ một phần cân nặng của cơ thể cũng có thể giúp giảm chỉ số huyết áp.
  • Thường xuyên hoạt động thể lực: Tập thể dục hoặc chơi thể thao có thể giúp giảm huyết áp, giảm căng thẳng cũng như giảm cân
  • Ngăn ngừa tình trạng stress kéo dài: Khi stress, cơ thể dùng mọi cách để chống lại cảm giác căng thẳng, điều này vô tình khiến chỉ số huyết áp tăng cao. Do đó những phương pháp giải tỏa căng thẳng như tập yoga hay thiền định là những phương pháp vô cùng hữu ích với những người mắc tăng huyết áp.
  • Hạn chế rượu bia và các chất kích thích: Rượu và thuốc lá có thể làm tăng huyết áp và khiến các mảng bám tích tụ nhanh chóng trong thành động mạch khiến thành mạch bị xơ vữa, kéo theo nhiều bệnh lý liên quan đến tim mạch khác.
  • Thay đổi lối sống, dùng thuốc điều trị tăng huyết áp đều đặn: Theo dõi huyết áp hàng ngày kèm theo đó là tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị thuốc tăng huyết áp. Không nên thay đổi bất cứ điều gì khi chưa tham khảo ý kiến của các bác sĩ.

Hệ thống miễn dịch kém là một trong những lý do khiến những người mắc tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn. Ngoài ra quá trình lão hóa cũng là suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện cho virus xâm nhập dễ dàng hơn.

Một khả năng khác khiến nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn không đến từ bệnh tăng huyết áp mà do một số loại thuốc điều trị được sử dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp là thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB). Trên thực tế, các chất ức chế men chuyển làm tăng nồng độ enzyme ACE2 trong cơ thể. Đây là thụ thể mà COVID-19 gắn vào để xâm nhập vào các tế bào. Tuy nhiên một số nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan nào giữa việc sử dụng các loại thuốc này với sự nghiêm trọng của bệnh COVID-19. Một số nghiên cứu khác lại cho thấy chúng có thể khiến các triệu chứng của COVID-19 ít nghiêm trọng hơn.

Viêm phổi là biến chứng phổ biến khi mắc coronavirus

Trong khi viêm phổi là biến chứng phổ biến nhất khi mắc coronavirus thì hệ tim mạch cũng có thể bị ảnh hưởng bởi loại virus này. Tăng huyết áp kéo dài có thể khiến các động mạch bị tổn thương và xơ vữa, làm giảm lưu lượng máu đến tim. Điều này đồng nghĩa với việc tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo cung cấp đủ máu cho cơ thể. Theo thời gian, điều này khiến tim yếu đi đến mức không thể cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng đến các cơ quan khác.

Virus SARS-CoV-2 có thể gây hại trực tiếp cho tim, điều này đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp bệnh nhân mắc tăng huyết áp. Virus có thể gây viêm cơ tim và khiến khả năng bơm máu của tim suy giảm. Trong trường hợp bệnh nhân có nhiều mảng bám tích tụ trong thành mạch, virus có thể khiến những mảng bám đó vỡ ra dẫn đến những cơn đau tim. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh tim mạch bị nhiễm virus cúm hoặc các loại coronavirus khác có nguy cơ mắc đau tim cao hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra lời khuyên những người mắc tăng huyết áp nói riêng và các vấn đề sức khỏe khác nói chung cần hết sức cảnh giác với virus SARS-CoV-2. Cần đảm bảo sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đều đặn, dự trữ sẵn thuốc để điều trị sốt và các triệu chứng khác nếu bị ốm. Ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác ở mức tối đa, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng. Ngoài ra mặc dù chưa có vaccine đặc hiệu phòng ngừa SARS-CoV-2 nhưng WHO cũng khuyến cáo mọi người nên tiêm đầy đủ các loại vaccine như vaccine phế cầu và vaccine cúm mùa.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý. Nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ khám từ các chuyên gia đến từ tuyến Bệnh viện Trung ương ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.