Bệnh giang mai là một trong số những bệnh lây truyền qua đường tình dục đáng sợ nhất, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Nếu không được chăm sóc y tế kịp thời, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân gây bệnh giang mai là gì? Đường lây và dấu hiệu nhận biết bệnh giang mai như thế nào?
1. Bệnh giang mai là gì?
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ không được bảo vệ (đường âm đạo, hậu môn hay miệng), qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai.
Xoắn khuẩn giang mai còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, do xoắn khuẩn này xâm nhập máu thai nhi qua dây rốn.
Do cấu tạo của bộ phận sinh dục ở dạng mở mà người phụ nữ dễ bị lây nhiễm các bệnh tình dục hơn nam giới, kể cả bệnh giang mai. Bệnh giang mai ở nữ giới nếu không điều trị kịp thời rất có thể gây nên những tổn thương tại tất cả các bộ phận trong cơ thể như viêm loét bộ phận sinh dục, phát ban ngoài da, đau nhức cơ xương, thậm chí gây ảnh hưởng đến nội tạng.
2. Nguyên nhân bệnh giang mai
Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) do Schaudinn và Hauffman tìm ra vào năm 1905. Xoắn khuẩn này có hình lò xo, bao gồm 6-14 vòng xoắn. Sức đề kháng của xoắn khuẩn này rất yếu, ra khỏi cơ thể nó sống được không quá vài giờ. Trong nước đá, nó vẫn giữ được tính di động rất lâu, ở nhiệt độ 45 độ C nó sẽ bị chết sau 30 phút. Các chất sát khuẩn, xà phòng có thể diệt được xoắn khuẩn này trong vài phút.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng
Dấu hiệu, triệu chứng bệnh giang mai xảy ra trong 3 thời kỳ:
- Thời kỳ 1: Đây là thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng 3 tuần. Sau đó khi qua thời gian ủ bệnh, bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của săng và hạch. Săng giang mai là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 – 2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng (vì vậy gọi là săng cứng) và bóp không đau. Săng giang mai thường gặp nhất là ở niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới sẽ hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật… Ngoài ra, săng giang mai có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi…Hạch sẽ xuất hiện 5 – 6 ngày sau khi có săng, hạch vùng bẹn sưng to và thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là hạch chúa.
- Thời kỳ 2: là giai đoạn 45 ngày sau khi có săng giang mai và có thể kéo dài đến 2 – 3 năm. Xuất hiện các tổn thương da và niêm mạc nhưng khi lành thường không để lại sẹo. Xoắn khuẩn giang mai dễ gây nhiễm trùng huyết với các triệu chứng nóng sốt và nổi hạch. Thời kỳ này thường có các biểu hiện lâm sàng như: các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình, sẩn giang mai với nhiều hình thái đa dạng (sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền vảy xung quanh, sẩn giang mai dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoạt tử…), sẩn phì đại thường hay gặp ở hậu môn và sinh dục, viêm hạch lan tỏa và bị rụng tóc kiểu rừng thưa.
- Thời kỳ 3: Xuất hiện thường từ 5, 10, 15 năm sau khi có săng với các triệu chứng như săng thương sâu, gôm ở da, xương, nội tạng, tim mạch và thần kinh. Ở giai đoạn này người bệnh ít có khả năng lây nhiễm cho bạn tình vì xoắn khuẩn đã xâm nhập và khu trú vào phủ tạng, không còn ở da, niêm mạc nữa.
Chú ý: Giữa thời kỳ 1 đến thời kỳ 2, giữa thời kỳ 2 đến thời kỳ 3, bệnh có thể không có các triệu chứng lâm sàng. Đó là giang mai kín và được phát hiện chỉ khi nhờ phát hiện huyết thanh.
4. Biến chứng của giang mai
Bệnh giang mai có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Xoắn khuẩn giang mai có thể gây tổn thương tất cả các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
- Bệnh giang mai tác động xấu đến da, niêm mạc, mắt đến các cơ quan nội tạng như gan, tim mạch, thần kinh.
- Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, bại liệt toàn thân, rối loạn tâm thần, viêm gan.
- Giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho thai nhi hoặc dị dạng thai sau khi sinh.
5. Bệnh giang mai lây qua đường nào?
Xoắn khuẩn giang mai thường có nhiều trong các tổn thương (săng, mảng niêm mạc, hạch…). Vì vậy bệnh rất dễ lây lan nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh. Bệnh lây truyền mạnh nhất là thời kỳ 1 và 2 khi các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai.
Bệnh chủ yếu lây truyền qua qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn xâm nhập qua da – niêm mạc của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ (săng), đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể. Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan là bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh hay tổn thương ở bộ phận sinh dục, có hành vi tình dục không bảo vệ (quan hệ tình dục miệng – sinh dục, quan hệ tình dục đồng giới…).
Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn) và gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.
6. Phòng chống bệnh giang mai
- Xây dựng lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng.
- Thực hiện hành vi tình dục an toàn, có biện pháp bảo vệ (sử dụng bao cao su).
- Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh cần phải phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu bị bệnh trong khi mang thai. Cần làm các phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các chị em phụ nữ có thai.
- Khi phát hiện bị bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay, không được tự ý mua thuốc điều trị.
Nếu gặp phải hoặc chưa có những triệu chứng nêu trên, bạn vẫn nên khám sàng lọc các bệnh xã hội nhằm phát hiện sớm để có hướng điều trị hiệu quả, tránh biến chứng. Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh với sự tham gia của đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, hệ thống cơ sở vật chất tối ưu thực hiện xét nghiệm, sàng lọc các bệnh xã hội, giúp phát hiện chính xác nhất các bệnh xã hội, trong đó có giang mai và cam kết đảm bảo sự riêng tư cho khách hàng khi đến khám.