BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG GIA TĂNG BỆNH NHÂN MẮC KÝ SINH TRÙNG ĐẠI TRÀNG

Viêm đại tràng do nhiễm trùng là tình trạng viêm ở đại tràng (phần chính của ruột già) gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, sinh vật đơn bào hoặc nấm. Bệnh thường diễn ra đột ngột với đau hoặc co thắt bụng dưới và tiêu chảy. Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, thuận lợi cho sự phát triển và lây truyền của các bệnh ký sinh trùng, khi mắc bệnh giun móc đại tràng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh sẽ lâm vào tình trạng thiếu máu.

Theo số liệu của phòng khám chuyên khoa Nội – Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh, số bệnh nhân mắc ký sinh trùng đường tiêu hóa gia tăng, cụ thể là giun móc đại tràng. Trong phân người nhiễm bệnh có trứng giun, ở môi trường đất trứng giun phát triển thành ấu trùng. Bệnh giun móc lây truyền qua ấu trùng giun, bằng hai con đường là qua da – niêm mạc và qua đường ăn uống. Ấu trùng giun móc có thể trực tiếp xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc, hoặc đi vào cơ thể người khi ăn thức ăn, uống nước có nhiễm ấu trùng. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người.

Khi bị giun móc, bệnh nhân không có biểu hiện đặc hiệu, chỉ có đau vùng thượng vị (tùy mức độ nhiễm giun) và các triệu chứng của thiếu máu như da xanh, niêm mạc nhợt. Triệu chứng đau của bệnh nhân cũng không đặc hiệu, đau bất kì lúc nào, lúc đói đau nhiều hơn, ăn uống kém, đầy bụng khó tiêu. Ngoài ra khi ấu trùng giun móc/giun mỏ xuyên qua da sẽ gây viêm da tại chỗ với biểu hiện ngứa, có các nốt đỏ kéo dài 1 – 2 ngày (nhiễm giun mỏ hay bị viêm da hơn giun móc). Giun móc ký sinh cắm sâu 2 đầu móc vào niêm mạc ruột để hút máu, gây ra những vết loét, gây chảy máu liên tục, kiến người bệnh bị thiếu máu thiếu sắt. Trường hợp nguy hiểm, người bệnh có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, gây vết loét thành ruột

Khi kí sinh tại tá tràng, giun móc hút khoảng 0,2 - 0,34 ml máu/ngày, gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông, chất ức chế sản sinh hồng cầu, gây mất máu mạn tính.

Để phòng chống bệnh giun móc, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo:

  • Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường không nhiễm phân.
  • Tạo nếp giữ vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, ăn chín, uống sôi.
  • Không dùng phân tươi để bón ruộng vườn.
  • Mang đồ bảo hộ lao động khi lao động sản xuất có tiếp xúc với đất.
  • Ở vùng hầm mỏ, tiến hành khám sức khỏe hàng năm và xét nghiệm ít nhất 1 lần/năm.
  • Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: tẩy giun định kì 2 lần/năm, thời gian giữa 2 lần cách nhau 4 – 6 tháng.

Để xác định có mắc bệnh hay không, bệnh nhân cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế và làm xét nghiệm phân tìm trứng giun. Ngay khi có những triệu chứng nhiễm giun móc, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị kịp thời và chính xác nhất.